Blogs
Tham gia thị trường chỉ với 5 thành viên, tính luôn người sáng lập, POPS Worldwide trải qua đầy đủ cung bậc thăng, trầm ở thị trường nội dung số. Tuy nhiên, từ khởi điểm là nhà cung cấp nhạc số đến hoàn thành cả hệ sinh thái riêng, con đường của POPS gắn liền với những cột mốc của cả thị trường nội dung giải trí kỹ thuật số Việt Nam.
Ngày 19/11/1997, Việt Nam được hòa vào mạng Internet toàn cầu, chính thức có những kết nối đầu tiên với “thế giới ảo”. Số liệu từ Tổng Cục Thống Kê ghi nhận, 10 năm sau, 2018, lượng người dùng internet ở Việt Nam lên đến hơn 20.834 user “Thời điểm đó, các trang nghe nhạc trực tuyến cũng tương đối nhiều và được hưởng ứng nồng nhiệt từ người dùng. Tuy nhiên, không ai nghĩ, đây là mảng nội dung phải trả tiền khi sử dụng”, Esther Nguyễn, người sáng lập POPS Worldwide nhớ lại. Đó, cũng là thời gian chị quyết định bỏ startup đang làm khá thành công ở Mỹ, về Việt Nam khởi nghiệp bằng việc vận hành một trang nhạc trực tuyến.
Esther Nguyễn – Nhà sáng lập kiêm Giám Đốc Điều Hành POPS Worldwide.
Ngay khi bước chân vào thị trường, POPS đã gây “sốc”. Đương khi các trang khác sử dụng vô tội vạ nội dung từ nghệ sĩ thì POPS quyết định trả tiền cho ca sĩ, nghệ sĩ, những người làm chương trình… Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, với Esther Nguyễn, tôn trọng bản quyền âm nhạc là chuyện đương nhiên. Thời gian đầu, những người trong lẫn ngoài ngành đều bảo đó là chuyện “phí tiền”. Chỉ có nghệ sĩ là ủng hộ, tuy vậy phần đông các nghệ sĩ vẫn cảm thấy e dè với việc POPS làm và họ cũng không dám tin là có thể khai thác bản quyền trên các sản phẩm âm nhạc của mình ở Việt Nam!
Mặc kệ dư luận, POPS kiên định với con đường của mình. Nhờ cách làm này của POPS, nghệ sĩ lên tiếng mạnh mẽ hơn, bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ một thời gian sau, thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam đã có những bước chuyển đáng kể, chấm dứt tình trạng ngang nhiên khai thác miễn phí bản quyền. Esther chia sẻ: “Trả tác quyền cho nghệ sĩ là tạo điều kiện cho họ tái đầu tư sản phẩm mới nhưng để có kho data nhạc bản quyền đẩy đủ, đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Với một startup, đó là thách thức chứ không hề dễ dàng”.
Nhiều phen khó khăn tài chính, phải chạy vạy đề có tiền tiếp tục vận hành nhưng POPS vẫn kiên trì con đường của mình. Nhờ vậy, chỉ với 44 nhân viên, năm 2009, POPS đã vươn vai, trở thành nhà cung cấp nhạc chuông, nhạc chờ lớn nhất cho các nhà mạng Việt Nam.
Trong hai năm sau đó, thương hiệu này đầu tư thêm vào mảng game mobile, triển khai game tương tác trực tuyến tại Việt Nam… Trở thành cái tên chuyên mở ra nhiều mảng kinh doanh nội dung số khác nhau cho thị trường.
Ngoài việc trở thành nhà cung cấp nhạc chuông chờ lớn nhất cho các nhà mạng, đầu tư phát triển thêm mảng game mobile, POPS còn chính thức trở thành đối tác của YouTube
Những tín hiệu vui đầu tiên đến vào năm 2012, khi POPS trở thành đối tác chính thức của YouTube và ra mắt thư viện âm nhạc Việt Nam lớn nhất trên Amazone. Năm 2013, mạnh dạn áp dụng chiến lược đầu tư các kênh riêng, POPS đã trở thành mạng lưới kênh đa kênh lớn nhất Việt Nam với hàng trăm kênh giải trí và âm nhạc. POPS Music, kênh âm nhạc riêng của POPS đã đạt hơn 2,1 tỷ người xem tại thời điểm đó. Đây cũng là mốc thời gian đánh dấu sự bùng nổ của POPS với việc đầu tư hàng loạt kênh riêng của mình, bao gồm kênh âm nhạc, kênh riêng cho trẻ em, kênh riêng cho phụ nữ… Esther nhận xét: “Lượng người xem TV truyền thống giới hạn lại do nhu cầu phải được xem, nghe mọi lúc mọi nơi. Đó chính là cơ hội để các kênh đa phương tiện trên internet phát triển”.
Nhiều đối tác tìm đến với POPS hơn, nhất là những nhà sản xuất chương trình, các kênh truyền hình truyền thống cũng chuyển hướng mở kênh trực tuyến thông qua POPS để khai thác thêm khán giả, tạo giá trị gia tăng sau phát sóng. Nhờ vậy, POPS đạt đến con số trong mơ: hơn 15 tỷ lượt xem trên các kênh của mình trong năm 2016. Tuy nhiên, trong khi các đơn vị cung cấp nội dung đang khai thác triệt để từ YouTube thì chiến lược của POPS lại rẽ hướng: Dần thoát phụ thuộc vào nền tảng này, dù đây là “con gà đẻ trứng vàng” của họ.
Hiện, POPS cũng đang dần hoàn thiện hệ sinh thái trực tuyến của mình khi mạnh tay đầu tư và phát triển thêm lượng người dùng trên ứng dụng di động xem video an toàn dành cho trẻ em – POPS Kids TV. Tính đến nay, chỉ sau 2 năm triển khai, ứng dụng này đã góp mặt vào Top 5 ứng dụng nổi bật trên Samsung Smart TV và thuộc Top 20 ứng dụng được sử dụng nhiều nhất dành cho gia đình trên cả hai nền tảng Android và iOS. Ngoài ra, với việc thỏa thuận hợp tác thành công với NBCUniversal, POPS sẽ chính thức phát hành trang tin tức dạng video E!Zone vào tháng 8 tới đây với các nội dung tin tức Hollywood mới nhất, các tin tức về thời trang, làm đẹp và chuyện đời tư của các ngôi sao, người nổi tiếng cùng hàng loạt series truyền hình thực tế đình đám được tuyển chọn rất hấp dẫn. Giải thích chiến lược mới, người sáng lập POPS cho biết, trong khi xu hướng người dùng YouTube đang ngày một cao thì con đường của POPS đòi hỏi mất nhiều thời gian gây dựng. Tuy nhiên, giấc mơ của POPS là xây dựng một thương hiệu Việt, hiện diện ở thị trường quốc tế nên nếu không kinh doanh dựa trên sự chủ động, giấc mơ ấy sẽ khó thành hiện thực.
Việc đầu tư và phát triển ứng dụng xem video an toàn dành cho trẻ – POPS Kids TV đã gặt hái những thành công bước đầu trong chiến lược tạo nên nền tảng riêng cho POPS
Sau văn phòng ở Thái Lan, đang gặt hái nhiều thành công, POPS đang tiến hành kế hoạch mở thêm văn phòng mới ở Philippines, Indonesia… làm bàn đạp chinh phục thị trường Châu Á. Chưa kể, đơn vị này cũng còn đang triển khai cả việc kí kết với hàng loạt những ngôi sao mới, trẻ ở Việt Nam lẫn khu vực, hứa hẹn những bứt phá mới về mặt nội dung.
POPS hiện đang có gần 200 nhân viên ở cả văn phòng Việt Nam và Thái Lan, dự kiến con số này sẽ còn tăng lên theo quy mô mở rộng của đơn vị này trong thời gian tới
Đánh dấu tuổi lên 10, POPS cũng mạnh dạn hơn trong việc thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu, tái cơ cấu các phòng ban nhằm khai thác tốt hơn nguồn lực sáng tạo từ gần 200 nhân viên trẻ. “Đã đến lúc chúng tôi phải thay đổi để đón nhận những biến chuyển mới của thị trường”, Esther nói vậy.